Bạn đã bao giờ nghĩ rằng bạn nên xây dựng thương hiệu cá nhân cho riêng mình chưa?
Xây dựng thương hiệu cá nhân luôn đem lại kết quả rất tốt cho công việc và kinh doanh của bạn. Trước mắt lợi ích chính là việc giúp nhiều người khác biết đến bạn hơn.
Ví dụ, mình là Trần Bá Đạt, xây dựng thương hiệu cá nhân ở website: www.tranbadat.info. Khá nhiều người biết đến mình nếu họ tìm hiểu về Blogger/Blogspot hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ về bản quyền Windows, Office.
Lời mở đầu
Thương hiệu cá nhân là một cái gì đó mang tính vô hình, nó không thật sự rõ ràng đối với người khác, nhưng nó lại có ý nghĩa rất lớn đối với cá nhân của thương hiệu đó.
Bạn là ai và tại sao tôi nên quan tâm tới bạn?
Một câu hỏi khá đơn giản, nhưng để trả lời thì đó là cả một quá trình. Sự thật rằng, để xây dựng một thương hiệu cá nhân, bạn cần phải trả lời được câu hỏi mà mọi người sẽ hỏi:
Thương hiệu cá nhân của bạn là gì? Và giá trị mà nó mang lại cho mọi người là gì?
Xây dựng thương hiệu cá nhân không phải là để thể hiện cái tôi, cá tính của bạn, mà đó sẽ là nơi tạo cho bạn nhiều cơ hội để tiếp xúc, giúp đỡ mọi người, đó có thể là những người quan tâm đến bạn, đó có thể là những đồng nghiệp cùng ngành của bạn.
Và để làm được điều đó, cách tốt nhất để xây dựng thương hiệu cá nhân, là thông qua viết blog.
Tại sao nên xây dựng thương hiệu cá nhân qua viết blog?
Một thương hiệu cá nhân in đậm trong tâm trí người đọc nên là một thương hiệu có sự xuất hiện khi họ cần, tức là mỗi khi người đọc cần, bạn sẽ xuất hiện để giải quyết giúp họ.
Theo thói quen người dùng, mỗi khi cần điều gì đó họ sẽ tìm kiếm trên Google. Và hơn bất kỳ công cụ nào khác, một blog, website sẽ giúp bạn xuất hiện tốt hơn trên kết quả tìm kiếm.
Lợi ích của blog, chính là giúp bạn được xếp hạng trên các công cụ tìm kiếm. Lúc này, cơ hội để bạn tiếp cận những người chung sở thích, chung ngành của mình là dễ dàng hơn rất nhiều.
Ngoài ra, blog cho bạn một nơi lưu trữ những nội dung của mình, bạn và người đọc có thể dễ dàng tìm lại các bài đăng trước, những kiến thức “lỡ quên” của mình.
Chọn nền tảng nào để xây dựng blog?
Hiện nay có rất nhiều trang web có sẵn được xây dựng với mục đích cung cấp cho người dùng tạo các blog cho riêng mình. Ví dụ như Blogspot/Blogger, hay WordPress.com, hay thậm chí là LinkedIn cũng được.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm của mình, xin đưa ra lời khuyên cho các bạn khi chọn nền tảng để xây dựng blog cho mình như sau:
- Blogspot/Blogger: Đây là nền tảng blog miễn phí của Google cung cấp cho người dùng từ rất lâu. Trong tất cả các nền tảng mà mình đã sử dụng, thì Blogspot chính là nền tảng miễn phí tốt nhất để làm Blog cá nhân. Các bạn có thể tham khảo chi tiết ở bài viết: Tại sao nên sử dụng Blogspot?. Và blog tranbadat.info của mình chính là xây dựng trên nền tảng blog này của Google.
- Sử dụng nền tảng WordPress: Nói nền tảng WordPress là mình đang đề cập đến các website sử dụng mã nguồn WordPress.org chứ không phải blog WordPress.com. Nền tảng này dùng miễn phí, tuy nhiên, bạn lại tốn phí cho tên miền, hosting và giao diện (Nếu mua). Với nền tảng WordPress này thì bạn tùy biến được giao diện tốt hơn và dễ dàng hơn so với Blogspot. Hiện tại Sky Digital Marketing đang sử dụng nền tảng WordPress này.
Để xây dựng thương hiệu cá nhân
Sau khi đã chọn được nền tảng để xây dựng blog, bạn nên sử dụng tên miền riêng của mình, đó sẽ là thương hiệu của bạn, khiến người khác nhớ đến bạn và sẵn sàng tìm nó trên Google.
Bạn dễ dàng nhận thấy: Sky Digital Marketing chọn skydgm.com, mình chọn tranbadat.info, Thạch Phạm chọn thachpham.com,… và hàng ngàn người khác nữa.
Và rồi, nội dung bạn sẽ cung cấp cho người đọc là gì? Đó chính là câu trả lời cho câu hỏi đầu bài về giá trị mà bạn sẽ mang lại cho mọi người.
Tuy rằng sẽ không có sự “cầm tay chỉ việc” nào ở đây, nhưng, mình có thể gợi ý giúp bạn định hướng xây dựng thương hiệu của bạn. Bắt đầu như sau:
1. Xây dựng thương hiệu quanh một chủ đề, một ngành nhỏ
Bạn muốn người khác biết đến bạn thông qua internet như thế nào?
Như mình, mình muốn người khác biết đến mình khi tìm hiểu về nền tảng Blogger/Blogspot cũng như muốn chia sẻ vốn hiểu biết của mình trong các lĩnh vực khác như máy tính chẳng hạn.
Để làm được điều này, mỗi bài viết, mỗi banner hình ảnh xuất hiện trên blog của mình đều xoay quanh những chủ đề trên, phủ hầu hết các từ khóa liên quan đến Blogspot.
Dù bạn đang chọn nội dung nào để viết, bạn cũng cần biết và hiểu về nó, và tất nhiên, phải có khả năng viết về nó, đồng thời đa dạng hóa nội dung.
Hãy tập trung các bài viết xoay quanh các từ khóa của mình. Từ khóa nên là những từ khóa được người dùng tìm kiếm, bạn có thể sử dụng Google Suggest và Google Keyword Planner để kiểm tra từ khóa trước khi xây dựng nội dung.
2. Sử dụng tính cách để tạo thương hiệu riêng
Tại Việt Nam, rất khó để tìm được một người xây dựng thương hiệu riêng từ tính cách của mình. Nhưng để làm ví dụ, mình sẽ lấy ví dụ từ Tim Ferriss.
Tim không hoàn toàn làm hết mọi công việc trên blog của mình, tất cả đều có người khác làm, ngoại trừ bài viết của ông.
Tim Ferriss không để bất cứ ai khác viết bài, là bởi đây là thương hiệu của ông, và ông sử dụng đúng giọng điệu làm nên thương hiệu của mình để duy trì nó.
Lời khuyên là, khi bắt đầu viết blog, bạn nên có thêm tiếng nói mang tính thương hiệu riêng của mình. Chỉ cần một ít thôi, đưa nó vào bài viết của bạn để người đọc cảm nhận.
3. Thiết kế giao diện blog quanh thương hiệu của bạn
Đây là phần khó khăn hơn cả sau khi bạn đã xác định được nội dung và tính cách sử dụng trong thương hiệu của mình.
Việc chọn một giao diện và thiết kế các thành phần phù hợp với thương hiệu của bạn sẽ khá là khó khăn.
Nói về mặt kỹ thuật, nếu bạn biết về code hay có người hỗ trợ về code thì sẽ khá ổn. Hãy chọn một giao diện phù hợp với nội dung để xây dựng thương hiệu cá nhân của bạn trên blog.
Về mặt bố cục, thành phần, tất cả nên được xây dựng xoay quanh chủ đề nội dung mà bạn viết, đừng để nó lộn xộn bởi các thành phần khác.
Ví dụ, đây là 1 bài viết của Neil Patel:
Bạn có thể thấy, tất cả các nội dung trong bài viết, ở thanh sidebar đều là các nội dung liên quan đến Digital Marketing, đó có thể là giới thiệu khóa học, hoặc giới thiệu sách, bài viết chia sẻ. Tất cả đều xoay quanh Digital Marketing.
Và hơn hết, bạn cần chú ý đến thiết kế giao diện của mình. Thiết kế gây ấn tượng ngay lần đầu tiên với người đọc sẽ quyết định họ có tiếp tục ở lại website hay không.
Ví dụ, Trần Bá Đạt Blog của mình nội dung chủ yếu về Blogspot, là nền tảng xây dựng web, blog. Vì vậy, mình thường chọn giao diện kiểu cầu kỳ, nhiều tính năng và đẹp. Điều này thu hút với những người tìm hiểu về Blogspot, giúp chứng tỏ bản thân mình am hiểu về Blogspot hơn và sẽ cung cấp nội dung hữu ích hơn cho họ.
4. Liên tục cập nhật nội dung liên quan
Nếu bạn viết nội dung tràn lan mà không đi sâu vào những chủ đề chính, thật khó để phát triển trở thành một thương hiệu lớn. Đó chính là điều mà tranbadat.info của mình đang gặp phải.
Vì vậy, hãy tập trung nội dung của bạn vào những chủ đề chính của blog, viết về nó, và cho người khác biết về nó.
Tại sao bạn phải liên tục cập nhật nội dung liên quan? Vì:
- Bạn có lời khuyên muốn chia sẻ cho người đọc.
- Bạn muốn cản thiện các nội dung SEO của website mình.
- Bạn muốn cung cấp nhiều kiến thức hơn cho người đọc.
- Bạn càng viết nhiều, thì càng tách biệt được thương hiệu riêng của mình.
- Càng tách biệt thương hiệu, thì nó sẽ càng tốt và càng lớn mạnh.
Chắc chắn rằng, việc tạo ra nhiều nội dung của một chủ đề một cách thường xuyên thực sự rất khó khăn.
Để có được một bài viết hoàn chỉnh, bạn cần phải có ý tưởng cho nó, dành thời gian nghiên cứu, viết, chỉnh sửa và đăng.
Sau khi đã kiểm tra kỹ càng về chất lượng nội dung, bạn mới tiếp tục đưa nó lên các mạng xã hội để chia sẻ và tương tác với người đọc.
Để hoàn chỉnh được như vậy, là điều không dễ dàng.
Tuy nhiên, lời khuyên là bạn nên tìm cách duy trì số bài chia sẻ ít nhất là 2-3 lần/tuần hoặc nhiều hơn nếu bạn có một mục tiêu lớn hơn.
5. Mở rộng ảnh hưởng của bạn bằng cách viết cho blog khác
Để mở rộng người đọc, không chỉ gói gọn trong chủ đề chính mà blog bạn xây dựng, phát triển thêm thương hiệu cá nhân của mình. Thì gợi ý của mình, chính là viết bài cho blog khác.
Bài viết này là một ví dụ, mình đang viết bài cho Sky Digital Marketing đấy.
Tại sao bạn nên viết bài cho các blog khác?
- Blog bạn chỉ viết về một chủ đề, một ngành mà bạn am hiểu. Việc viết các chủ đề khác sẽ gây loãng nội dung của blog. Vì vậy, bạn có thể gửi các bài viết khác đến các blog liên quan để tạo dựng thêm thương hiệu của mình.
- Blog bạn lượng khách truy cập chưa cao, còn có những blog khác lớn hơn cùng chủ đề. Để mở rộng thương hiệu cá nhân của bạn, hãy gửi những bài viết chất lượng mang đậm dấu ấn cá nhân của bạn cho người đọc trên các blog đó.
Ngoài những lý do trên, thì các blog khác cũng cho phép bạn tạo các liên kết về các bài đăng khác ở blog của mình. Giúp bạn nâng cao thứ hạng từ khóa trên Google cũng như có thêm người đọc.
Mất bao lâu để xây dựng thương hiệu bằng cách viết blog?
Thật khó để mình có thể nói rằng các bạn sẽ có được thương hiệu trong bao lâu.
Sẽ có thể mất đến 6 tháng hoặc nhiều hơn để bạn bắt đầu thấy kết quả nếu không phải là một SEOer và chăm chỉ đăng bài chia sẻ.
Nếu đã có kiến thức về SEO, thì kết quả của bạn kết hợp cùng với sự kiên trì và kiên nhẫn sẽ cho kết quả sớm.
Nhưng đừng vì thế mà nản lòng. Viết bài chia sẻ là một thú vui, là niềm vui của bạn. Niềm vui này sẽ được tăng lên nếu bạn thấy được sự quan tâm của người đọc với mình.
Tổng kết
Để xây dựng thương hiệu cá nhân của mình thông qua viết blog là không dễ dàng nhưng có thể thực hiện được.
Trước tiên, hãy chọn cho mình một chủ đề và nghiên cứu từ khóa của chủ đề này.
Sau đấy, công việc cần thiết chính là viết thật nhiều, cung cấp thật nhiều nội dung có giá trị, chất lượng cao.
Đừng lo lắng, nên biến kỹ năng viết trở thành một sở thích, chia sẻ trở thành một niềm vui của mình.
Cố lên nhé!
The post Cách xây dựng thương hiệu cá nhân bằng cách viết blog appeared first on SkyDGM.